Bốn năm trước, mình tình cờ biết đến khái niệm “mental models”(mô hình tư duy) thông qua một bài viết trên Farnam Street. Từ đó, mình đã dành thời gian để học hỏi thêm về những mô hình tư duy hiệu quả có thể hỗ trợ bản thân trong hành trình phát triển bản thân và sự nghiệp.
Và sau đây là năm mô hình tư duy đã giúp mình phá vỡ những lối mòn trong suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề sáng suốt hơn, đưa ra quyết định phù hợp hơn đồng thời góp phần phát triển sự nghiệp và bản thân.
1️⃣The Regret Minimization Framework
Trước khi bắt đầu và phát triển Amazon trở thành một đế chế vững mạnh như ngày này, Jeff Bezos cũng đã có lúc phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Và có lẽ một trong những quyết định khó khăn và cũng là quan trọng nhất trong cuộc đời ông đó là có nên nghỉ việc ở công ty hiện tại để tham gia vào thị trường Internet vào những năm 90 hay không?
Để đưa ra được quyết định trong tình huống này, Jeff Bezos đã sử dụng một mô hình tư duy mà ông đặt tên là “The Regret Minimization Framework” (hiểu nôm na là quy tắc giảm thiểu sự hối tiếc). Cách thức áp dụng mô hình này khá đơn giản khi nó hoạt động dựa trên duy nhất một câu hỏi: “Liệu 80 năm nữa bạn có hối hận vì đã không làm việc này hay không?” Sau đó, hành động dựa trên câu trả lời bạn đưa ra, với có là “ngay lập tức hành động” và không có nghĩa là “tự tin loại bỏ ra khỏi danh sách của bạn”.
Điều mình thích nhất ở nguyên tắc này chính là việc cho bản thân suy nghĩ về tương lai thay vì chỉ giới hạn với những gì ở hiện tại. Những gì ở tương lai là bất định, không chắc chắn nhưng đồng thời cũng mở ra hàng ngàn lựa chọn mà ở đó bạn biến điều không thể thành có thể.
Mỗi chúng ta khi đến với Trái Đất này chỉ có khoảng 100 năm để sống, tại sao không cho bản thân một chút mơ mộng để khuyến khích chính mình vượt qua khỏi vùng an toàn và làm những điều có ý nghĩa cho cuộc sống hữu hạn này, phải không?
2️⃣The Iceberg
Những gì bạn nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng.
Để hiểu một vấn đề một cách kỹ lưỡng bạn cần đào sâu hơn và xem xét cẩn thận hơn thay vì đưa ra kết luận chỉ dựa vào 10% những gì bạn thấy.
Bạn có thể nhìn thấy ai đó trên mạng xã hội bất ngờ trở nên thành công chỉ sau một đêm. Nhưng đừng vội kết luận. Bởi thành công của họ có thể chỉ là 10% những gì bạn có thể thấy. 90% khác là cả quá trình có thể đã kéo dài cả thập kỷ mà họ thực sự vượt qua khó khăn thử thách để hành động và chiến đấu cho ước mơ của mình.
Phần nổi của tảng băng là thứ ai cũng nhìn thấy và đôi khi không thể mang lại cho bạn những bài học ý nghĩa, có thể thay đổi cục diện. Những điều chưa tiết lộ trong 90% còn lại chính là đá quý, giúp chúng ta hiểu hơn về một vấn đề và học hỏi từ đó.
Hãy tập thói quen đào sâu hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn và tìm hiểu phần chìm của tảng băng. Chỉ khi đó, bạn mới có thể rút ra những bài học thực sự có giá trị để áp dụng cho chính hành trình của mình.
3️⃣ The Red Queen Effect
Trong Through the Looking Glass, phần tiếp theo của Alice’s Adventures in Wonderland , Alice không hiểu tại sao mình đã chạy rất nhanh mà vẫn đứng yên tại chỗ. Nhân vật The Red Queen đã trả lời cô rằng: “Ở đây, bạn thấy đấy, bạn phải chạy thật nhanh chỉ để đứng yên vị trí.”
Câu nói ngắn gọn này ẩn chứa một sự thật sâu sắc về thời đại chúng ta đang sống. Trong khi bạn nỗ lực tiến lên, thế giới xung quanh cũng không ngừng chuyển động với tốc độ chóng mặt. Dù bạn đang dồn hết sức lực để chạy, đôi khi bạn vẫn cảm thấy mình đứng nguyên tại chỗ – một nghịch lý không phải ai cũng có thể nhanh chóng thích nghi.
Nhìn vào thực tế cuộc sống, không khó để bạn nhận ra sự thay đổi diễn ra theo cấp số nhân. Kiến thức mới, công nghệ mới, xu hướng mới liên tục xuất hiện, khiến những gì bạn biết hôm nay có thể đã lỗi thời vào ngày mai. Nếu không liên tục cập nhật kỹ năng, không ngừng đổi mới bản thân, bạn sẽ không chỉ bị người khác vượt qua mà còn có nguy cơ trở nên lỗi thời, thậm chí bị thay thế hoàn toàn.
Chính vì vậy, việc không ngừng học hỏi và phát triển không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều kiện sống còn. Đó là phương châm sống mà chúng ta phải khắc ghi trong thế kỷ này: học tập liên tục để ít nhất có thể “đứng yên” trước dòng chảy thời đại, và để tiến xa hơn nữa trên bước đường tương lai.
4️⃣ The 5-Second Rule
Nếu hôm nay bạn có một nhiệm vụ cần hoàn thành nhưng lại đang có suy nghĩ trì hoãn, tìm cách né tránh hành động, quy tắc 5 giây của Mel Robins – tác giả cuốn sách “The Five Second Rules” sẽ giúp bạn vượt qua thử thách này để hoàn thành mục tiêu.
Mỗi khi bạn nhận thấy bản thân đang tìm cách trì hoãn, hãy đếm:
5.
4.
3.
2.
1.
Và không để tâm trí kịp suy nghĩ gì thêm, ngay lập tức làm điều bạn cần làm.
Hiệu ứng Zeigarnik đã chứng minh bộ não ghét cay ghét đắng những việc dang dở. Một khi đã bắt đầu, bạn sẽ có xu hướng hoàn thành mục tiêu của mình. Đó là lý do vì sao giây phút khó khăn nhất luôn là bắt đầu.
Đếm ngược 5 giây không chỉ phá vỡ vòng lặp suy nghĩ tiêu cực mà còn kích hoạt vùng não trước trán — nơi kiểm soát sự chú ý và điều hành hành động có chủ đích.
Ngay bây giờ, hãy nhìn vào một việc bạn đang trì hoãn. Đếm ngược: 5… 4… 3… 2… 1… và bắt đầu ngay lập tức. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tiếp tục trong bao lâu sau đó.
Đôi khi, điều duy nhất ngăn cách bạn với những thành tựu lớn lao chỉ là năm giây ngắn ngủi để vượt qua do dự ban đầu.
5️⃣ Inversion Thinking
Chúng ta thường hỏi làm thế nào để thành công nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi phải làm sao để thất bại?
Nghĩ ngược lại để đạt được điều mình muốn chính là cách thức mô hình tư duy này hoạt động. Cách thức này hiệu quả vì cho bạn những góc nhìn mới mà nếu nghĩ theo những cách thông thường có thể bạn sẽ không nhìn thấy.
Đặc biệt hỏi làm sao để thất bại, bạn sẽ nhìn ra được chính xã những vật cản trên hành trình của mình, chuẩn bị tâm lý cho nó và tìm cách để có thể giải quyết những vấn đề này trước khi chúng xảy ra.
Ví dụ: Một nhân viên văn phòng muốn sử dụng blog để phát triển sự nghiệp riêng có thể tự hỏi: “Làm thế nào để blog của tôi thất bại hoàn toàn?”
Câu trả lời có thể bao gồm:
– Cập nhật không đều đặn, thỉnh thoảng mới đăng bài
– Nội dung sơ sài, thiếu chiều sâu
– Thiếu tính ứng dụng thực tế trong các bài viết
– Không tối ưu hóa blog cho các công cụ tìm kiếm
– Bỏ qua việc chia sẻ bài viết trên các nền tảng mạng xã hội
– Thiết kế blog khó sử dụng, rối mắt
Như vậy để blog thực sự phát triển và tạo ra cơ hội nghề nghiệp, bạn có thể sẽ phải:
– Xây dựng lịch đăng bài đều đặn, tạo thói quen cho độc giả
– Đầu tư nghiên cứu kỹ để tạo nội dung sâu sắc, có giá trị
– Phát triển góc nhìn độc đáo, mang dấu ấn cá nhân
– Học cơ bản về SEO để bài viết tiếp cận được nhiều người hơn
– Quảng bá nội dung trên các nền tảng mạng xã hội phù hợp
– Thiết kế blog chuyên nghiệp, dễ đọc và dễ điều hướng
Bạn có thể thấy, phương pháp tư duy này tuy đơn giản nhưng có thể mang lại kết quả đáng ngạc nhiên. Nó không chỉ giúp bạn nhìn thấy rõ mọi trở ngại tiềm ẩn mà còn trao cho bạn một sự tự tin đặc biệt – sự tự tin đến từ việc đã “nhìn thấy” và “chuẩn bị” cho những thử thách trước khi chúng xảy ra.
Trong 5 mô hình mình liệt kê phía trên, bạn ấn tượng với mô hình nào nhất?
Và bạn sẽ áp dụng nó vào thực tế cuộc sống của mình chứ?
Comment “Yes” nếu bạn đồng ý nha!
Quỳnh Đỗ – The Introvert Writer.
Write to grow, then inspire! See less