1. Câu chuyện số 1
Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng: “Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, con sẽ làm thế nào?”.
Tiểu hòa thượng không hề do dự đáp: “Con sẽ đi sang bên cạnh”.
Bài học rút ra: Khi gặp khó khăn, đổi góc độ để suy nghĩ, có lẽ sẽ hiểu ra rằng: Bên cạnh vẫn có đường.
2. Câu chuyện số 2
Một người đi tìm việc làm, trên hành lang đến phòng phỏng vấn thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách phỏng vấn vô tình nhìn thấy, bèn quyết định nhận anh vào làm việc.
Bài học rút ra: Nhiều hành động có vẻ nhỏ nhặt nhưng nó lại phản ánh giá trị tốt của một con người và đem lại sự nể trọng của những người xung quanh.
3. Câu chuyện số 3
Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng.
Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh;
Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng;
Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức!
Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh khác nhau.
Bài học rút ra: Cuộc đời là như vậy, có quan niệm thế nào sẽ có cuộc đời như thế, có suy nghĩ thế nào sẽ có cuộc sống như thế!
4. Câu chuyện số 4
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.
Bài học rút ra: Cuộc đời của chúng ta xem như rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy nguy cơ, cần phải giữ cho mình quan niệm sống ổn định, từ đó mà biết cân nhắc đến an nguy.
5. Câu chuyện số 5
Mọi người trong một ngôi làng thường tìm đến một nhà thông thái để xin lời khuyên về các vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người đến nhiều lần để than phiền về cùng một vấn đề trong cuộc sống. Một ngày, nhà thông thái quyết định kể 1 câu chuyện cười và khiến tất mọi người cười phá lên.
Vài phút sau, ông kể lại câu chuyện cười đó 1 lần nữa nhưng chỉ có một vài người mỉm cười.
Sau đó, nhà thông thái kể lại câu chuyện lần thứ 3, nhưng không còn ai cười nữa.
Lúc đó, ông mới mỉm cười nói rằng: Bạn không thể cười khi nghe 1 câu chuyện cười 3 lần. Vậy tại sao bạn lại khóc vì cùng 1 vấn đề nhiều lần như vậy?
Bài học rút ra: Lo lắng, sợ hãi không giải quyết được vấn đề, nó chỉ khiến bạn lãng phí thời gian và năng lượng.
6. Câu chuyện số 6
Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng: “Việc là chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng”.
Anh bạn mỉm cười nói rằng: “Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không?”.
Bài học rút ra: Trong cuộc sống thường ngày, cảm thấy không công bằng thì phải nỗ lực làm người đi đầu, oán trách chỉ vô dụng.
7. Câu chuyện số 7
Cậu bé nọ học việc trong một tiệm sửa xe đạp. Một ngày, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư. Cậu không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe cho sạch đẹp.
Những người học việc khác cười nhạo cậu bé dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức.
Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt vừa đẹp như mới mua, liền đưa cậu bé về hãng của ông ta để làm việc với mức lương cao.
Bài học rút ra: Có những hành động không vụ lợi mang cái tâm trong sáng, đôi khi sẽ đem lại những điều may mắn trong cuộc sống
8. Câu chuyện số 8
Một người nọ đứng dưới mái hiên trú mưa, nhìn thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua.
Người nọ nói:
“Quan Âm Bồ Tát, xin hãy phổ độ chúng sinh một chút, cho con đi nhờ một đoạn được không ạ?”.
Quan Âm nói: “Ta ở trong mưa, ngươi ở dưới mái hiên, mà mái hiên lại không mưa, ngươi không cần ta phải cứu độ”.
Người nọ lập tức chạy vào màn mưa, đứng dưới mưa: “Hiện tại con cũng ở trong mưa rồi, có thể cho con đi nhờ không ạ?”.
Quan Âm nói: “Ngươi ở trong mưa, ta cũng ở trong mưa, ta không bị dính mưa, bởi vì có ô; ngươi bị dính mưa, bởi vì không có ô. Bởi vậy, không phải là ta đang cứu độ mình, mà là ô cứu độ ta. Ngươi muốn được cứu độ, không cần tìm ta, hãy đi tìm ô!”, dứt lời Quan Âm bèn rời đi.
Ngày hôm sau, người nọ lại gặp phải chuyện nan giải, bèn đến miếu cầu xin Quan Âm. Bước vào trong miếu, mới phát hiện có một người đang vái lạy Quan Âm, người đó giống Quan Âm như đúc.
Người nọ hỏi: “Bà là Quan Âm sao ạ?”.
Người kia trả lời: “Đúng vậy”.
Người nọ lại hỏi: “Vậy tại sao Quan Âm lại vái lạy chính mình?”.
Quan Âm cười nói: “Bởi vì ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình”.
Bài học rút ra: Phong ba bão táp của cuộc đời, phải dựa vào chính bản thân mình. Cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.
9. Câu chuyện số 9
Một đàn ếch đang di chuyển qua cánh rừng thì 2 con ếch không may bị rơi xuống hố sâu. Những con ếch khác cùng xem cái hố sâu đến chừng nào và kết luận rằng, hố quá sâu để có thể vượt ra ngoài. Chúng khuyên 2 con ếch kia rằng hãy giữ sức, vì chẳng có hy vọng gì đâu.
Phớt lờ những lời nói đó, 2 con ếch bị rơi xuống hố vẫn nỗ lực tìm cách nhảy ra khỏi hố. Những con ếch trên miệng hố, không những không động viên mà còn khuyên chúng hãy từ bỏ đi.
Một trong 2 con ếch sau vài lần thử nhảy đã kiệt sức và chấp nhận buông xuôi. Trong khi đó, con ếch còn lại càng nhảy càng hăng hơn và cuối cùng nó lấy hết sức nhảy vọt ra khỏi cái hố.
Khi ra ngoài, những con ếch khác hỏi rằng: “Cậu không nghe thấy chúng tôi nói gì sao?”. Con ếch nhỏ đã giải thích rằng, vì nó bị điếc nên nó nghĩ rằng cả đàn ếch đã cổ vũ nó cố gắng nhảy ra ngoài.
Bài học rút ra: Những lời nói của người xung quanh có thể tác động to lớn đến cuộc sống bạn, nhưng bạn không nên dành thời gian với những người chỉ biết “hút cạn” nguồn hạnh phúc của mình. Bạn không thể kiểm soát những gì sẽ xảy với cuộc đời mình nhưng bạn có thể kiểm soát cách mà bạn phản ứng với thế giới này.
10. Câu chuyện số 10
Một người cha nói với con của mình rằng: “Hãy nắm chặt bàn tay của con lại, nói cho cha biết con có cảm giác gì?”.
Người con nắm chặt tay: “Hơi mệt ạ”.
Người cha: “Con thử nắm chặt hơn nữa xem!”.
Người con: “Càng mệt hơn ạ!”.
Người cha: “Vậy con hãy buông tay ra!”.
Người con thở phào một hơi: “Thoải mái hơn nhiều rồi ạ!”.
Người cha: “Khi con cảm thấy mệt, nắm càng chặt sẽ càng mệt, buông nó ra, sẽ thoải mái hơn nhiều!”.
Bài học rút ra: Buông tay mới nhẹ nhõm.
#tapchidoanhnhan
Leave a Reply