Nếu bạn tập trung vào vấn đề → bạn sẽ tìm thấy giải pháp.
Nếu bạn tập trung vào đổ lỗi → bạn sẽ chỉ tìm thấy thêm nhiều vấn đề khác.
Người thành công không phải là người ít gặp vấn đề hơn người khác. Họ chỉ khác ở chỗ: Họ tập trung vào giải quyết thay vì chìm đắm trong sự tức giận hay trả thù.
______
Có một cái ống nước bị rò rỉ trong nhà. Nước chảy lênh láng. Và thay vì vớ lấy một cuộn băng keo hoặc gọi thợ sửa ống nước, mình cầm ngay cái búa lên. Không phải để sửa, mà để đi tìm ai đã làm hỏng nó.
Mình đi khắp nhà, quát lên: “Ai đã làm vỡ cái ống nước này?”
Mình kiểm tra lại camera, truy vấn từng người trong nhà.
Mình cáu. Mình bực.
Và trong lúc đó, nước vẫn tràn ra sàn.
Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là cách hầu hết chúng ta đối mặt với vấn đề. Khi chuyện không hay xảy ra, phản xạ đầu tiên của chúng ta không phải là tìm cách sửa mà là tìm ra ai gây ra chuyện này. Chúng ta đi tìm thủ phạm, như thể việc biết được danh tính của kẻ gây ra vấn đề sẽ khiến nó tự biến mất.
Nhưng vấn đề không biến mất. Nó vẫn ở đó. Và càng lâu chúng ta mải mê đổ lỗi, nó càng trở nên tệ hơn.
_______
Mỗi khi gặp một vấn đề, có ba yếu tố tham gia vào câu chuyện này:
1. Bạn – Người đang đối mặt với vấn đề.
2. Vấn đề – Chuyện đã xảy ra.
3. Người tạo ra vấn đề – Người (hoặc thứ gì đó) gây ra tình huống này.
Nhưng thay vì dồn sức vào Vấn đề và tìm cách Giải quyết, chúng ta lại dồn toàn bộ sự chú ý vào Người tạo ra vấn đề.
a) Công việc không xong? Đổ lỗi cho sếp giao deadline quá gấp.
b) Nhóm làm việc không hiệu quả? Cáu vì đồng đội thiếu trách nhiệm.
c) Mối quan hệ đổ vỡ? Chìm đắm trong sự giận dữ vì đối phương thay đổi.
Tất cả những điều đó đều có thể đúng. Nhưng biết được “ai gây ra chuyện này” không giúp ta tiến lên được bước nào cả. Nó chỉ kéo ta vào một cái vòng lặp cảm xúc, nơi ta tự nhấn chìm mình trong sự bực bội và trách móc. Trong khi đó, vấn đề vẫn còn đó, chưa ai giải quyết.
_______
Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe, và đột nhiên xe bị thủng lốp giữa đường. Bạn sẽ:
– Xuống xe, đi vòng vòng nguyền rủa số phận, chửi bới nhà sản xuất lốp xe, bực tức với con đường đầy đá dăm?
– Hay lẳng lặng mở cốp, lấy bánh dự phòng ra và thay lốp?
Chúng ta có thể dành một đời để đổ lỗi cho con đường, nhưng điều đó không giúp xe chạy tiếp.
Đây là một công thức đơn giản mà mình tự đúc kết:
Focus = (Vấn đề + Giải pháp) / Người tạo ra vấn đề
1. Nếu mẫu số (Người tạo ra vấn đề) quá lớn, bạn sẽ bị mắc kẹt trong vòng lặp đổ lỗi, cảm xúc tiêu cực, và mất kiểm soát.
2. Nếu tập trung vào tử số (Vấn đề + Giải pháp), bạn sẽ có tư duy logic, chủ động và hiệu quả hơn.
-> Nếu mình chỉ mải mê đổ lỗi, mình không còn đủ tỉnh táo để tìm cách sửa chữa.
-> Nhưng nếu mình gạt yếu tố cảm xúc sang một bên, tập trung vào bản thân vấn đề và các phương án xử lý, mình sẽ nhanh chóng kiểm soát được tình hình.
Lúc đó, câu hỏi mình đặt ra không còn là “Ai gây ra chuyện này?” nữa, mà là “Bây giờ làm gì để giải quyết?”
Vậy nên, nếu có một chuyện gì đó xảy ra hôm nay, thay vì vớ ngay cái búa để đi tìm thủ phạm, hãy thử dừng lại một giây và tự hỏi:
– Vấn đề thực sự là gì?
– Mình có thể làm gì ngay bây giờ để xử lý?
Có thể đó không phải là cách dễ dàng nhất, nhưng chắc chắn là cách duy nhất để bạn có thể tiếp tục tiến về phía trước.
Và quan trọng nhất: bạn sẽ không còn đứng giữa nhà, tay cầm cái búa, mà nước thì vẫn tiếp tục tràn ra sàn.
Học tĩnh trong một thế giới ồn ào,
The Jasmine Guy.
12/3/2025.

Leave a Reply