Đây là bài mình đã ấp ủ rất lâu, vì nó chạm trực tiếp vào những người mình quan tâm. Mỗi lần nhìn thấy ai đó – là bạn mình, người quen, hay một người lạ trong quán cà phê – đang cố dỗ con bằng cách đưa điện thoại, trong đầu mình luôn vang lên một câu hỏi không yên: “Liệu có cách nào khác không?”. Mình hiểu, chúng ta đều hiểu, việc làm cha mẹ ngày nay mệt mỏi và đơn độc đến thế nào. Đôi khi, cái điện thoại không phải là “lựa chọn dễ”, mà là lựa chọn duy nhất trong lúc bạn đang kiệt sức. Nhưng điều khiến mình day dứt, là chúng ta biết rõ điều đó không tốt, nhưng vẫn lặp lại nó – ngày này qua ngày khác – có chăng là có cách khác làm tốt hơn? Bài này sẽ trả lời câu hỏi đó.
Và mình viết bài này cũng không để trách móc. Mình viết vì tin rằng nếu hiểu rõ hơn, ta sẽ làm tốt hơn. Và vì tụi nhỏ, những đứa trẻ mà bạn yêu thương hơn bất kỳ ai, xứng đáng có một khởi đầu lành mạnh, kể cả giữa bộn bề của người lớn. Nếu bạn thấy điều này quan trọng, đọc chậm lại, đọc lại lần nữa nếu cần. Và nếu có thể, hãy gửi bài này đến những ai đang làm cha mẹ, hay những người bạn nghĩ là cần. Let’s do this, not for us, but for them – the kids.
~~
Đây là điều thực sự xảy ra khi bạn buông xuôi và đưa điện thoại cho con – không chỉ một hai lần trong lúc quá mệt hay quá bí, mà là mỗi ngày, hết lần này đến lần khác, đến mức nó trở thành phản xạ, thành thói quen, thành một “phương án cứu nguy” mà bạn chọn mỗi khi con khóc, mỗi khi đầu bạn căng như dây đàn, mỗi khi cuộc sống trở nên quá sức chịu đựng. Thực tế, ai cũng có lúc mệt. Bạn thiếu ngủ, bạn không được ai đỡ đần, bạn gần như chưa bao giờ được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Bạn bị đẩy vào vai trò làm cha mẹ mà chẳng ai kịp dạy bạn cách làm, và giờ đây bạn phải nuôi dạy một con người giữa một thế giới ồn ào, dồn dập, nhiều áp lực hơn là bình yên, nhiều so sánh hơn là đồng cảm, và quá ít chỗ cho những người làm cha mẹ được yếu đuối. Vậy nên khi đứa trẻ gào lên, không gì dỗ được, đầu óc bạn quay cuồng, bạn mệt rã rời và không còn kiên nhẫn, bạn mở điện thoại, đưa cho con, và thầm mong có vài phút yên ổn.
Và đúng là yên ổn đến thật – nhanh, xịn. Con im bặt. Không còn tiếng khóc. Cơ thể nhỏ bé ấy bỗng yên lặng. Đôi mắt dán chặt vào màn hình. Màu sắc quay cuồng, âm thanh vui tai, những bàn tay bé xíu ôm khư khư cái máy như ôm sự sống. Nó hiệu quả. Bạn vừa thấy nhẹ nhõm, vừa có gì đó nhói lên – bạn biết nó không lý tưởng, nhưng ít ra thì bạn cũng được thở. Vấn đề là, cái gọi là “hiệu quả” ấy thực ra là một loại thuốc gây mê – nó không giải quyết gì cả, mà nó chỉ âm thầm đánh đổi vài phút bình yên lấy những hệ quả rất không tốt sau này, và nó thay bạn làm phần khó khăn nhất của việc làm cha mẹ: ở lại cùng con trong những cơn bão cảm xúc.
Ở độ tuổi 1, 2, 3 – bộ não của một đứa trẻ không chỉ phát triển, nó còn hấp thụ. Không có bộ lọc. Không có quá nhiều lý trí. Không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là diễn, đâu là thao túng cảm xúc. Khi bạn đưa điện thoại cho con, bạn không chỉ đưa một món đồ chơi – bạn đang đưa một cái máy lập trình thần kinh. Mỗi hình ảnh, mỗi âm thanh, mỗi đoạn video được tối ưu hóa để “giữ chân” người xem – và não bộ của con đang tiếp nhận tất cả, không kiểm duyệt, không phản biện, không phòng vệ. Mọi thứ đi thẳng vào hệ thần kinh như thể đó là sự thật tuyệt đối.
Và đó là lúc tổn thương bắt đầu – không phải vì nội dung quá xấu, mà vì tốc độ, sự phóng đại, sự dồn dập của nó khiến con trẻ định nghĩa lại “thế giới thật” là gì. Bởi vì bộ não con người học dựa trên những trải nghiệm lặp đi lặp lại. Thế giới thật – thiên nhiên, khuôn mặt người, chuyển động cơ thể, trò chơi vận động tay chân – vốn chậm rãi, có tiết tấu, có sự ngừng nghỉ. Trong khi đó, video ngắn trên mạng xã hội thì ngược lại: nhanh, ồn ào, quá lố, liên tục nhảy cảnh, liên tục kích thích dopamine. Và nếu đây là trải nghiệm chính mà con có mỗi ngày, thì não bộ sẽ thích nghi – nó nghĩ đây mới là bình thường. Và khi không còn màn hình, chỉ còn cuộc sống thực – tiếng gió, ngựa gỗ đồ chơi, giọng nói của mẹ – mọi thứ bỗng trở nên vô cùng nhàm chán, hoặc tệ hơn, mọi thứ trở thành một trạng thái bất an mà con không biết làm sao để chịu đựng.
Và thế là, cơn hoảng loạn bắt đầu. Không phải lúc nào dễ thấy. Có khi chỉ là sự bồn chồn. Có khi là khó ngủ, quậy ban đêm, hay không thể ngồi yên quá 10 giây. Nhưng tất cả đều có cùng một gốc rễ: con chưa bao giờ học cách sống với thế giới như nó vốn có – vì não con đã bị lập trình để chỉ thấy yên ổn trong một thế giới được thiết kế để “gây nghiện”. Màn hình không chỉ đánh lạc hướng. Nó huấn luyện não bộ non nớt của con. Và càng kéo dài, hậu quả càng khó gỡ.
Chúng ta ít nói về điều này – không phải vì chúng ta không biết, hay là vì cha mẹ không quan tâm, mà vì chúng ta cũng hiểu là họ đang kiệt sức. Những anh bố, chị mẹ trẻ ngày nay thường bị cô lập, không có nhiều người có thể thực sự hỗ trợ, phải vật lộn giữa công việc, áp lực, kỳ vọng, và một nền văn hóa luôn khiến họ cảm thấy mình chưa đủ tốt. Trong hoàn cảnh đó, việc đưa điện thoại cho con là điều dễ hiểu. Nó giúp họ nhẹ nhõm. Nhưng sự tiện lợi ấy luôn đi kèm một cái giá – và chính đứa trẻ sẽ là người phải trả giá, bằng sự phát triển não bộ, bằng khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, bằng mối liên kết với thực tại, với con người thật.
Vì mỗi lần bạn dùng điện thoại để dập tắt một cơn ăn vạ, bạn đang dạy con rằng: cảm xúc của con là thứ cần phải tránh xa. Mỗi lần bạn đưa điện thoại để con ngồi yên, bạn đang nói rằng: sự khó chịu không cần được vượt qua, chỉ cần bị lấp đầy bằng cái gì đó thoải mái hơn. Và mỗi lần bạn để cái điện thoại trông con, bạn đang tước đi cơ hội để con học những kỹ năng quan trọng nhất: sự kiên nhẫn, khả năng chơi một mình, trí tưởng tượng, kết nối cảm xúc, và sự vững vàng nội tâm. Một đứa trẻ không học được cách buồn chán, không được ôm khi khóc, không được khám phá thế giới thật – sẽ lớn lên thành một người chỉ biết chạy trốn. Trốn trong dopamine. Trốn khỏi cảm xúc. Trốn khỏi chính mình.
Điều đau lòng là bạn không thấy hậu quả ngay. Không có vết thương. Không sốt. Không gãy xương. Chỉ là một sự trống rỗng mơ hồ trong ánh mắt. Một sự mong manh trong khả năng kết nối. Rồi nhiều năm sau, nó hiện ra trong lớp học, trong các mối quan hệ, trong cơn lo âu, trong sự bất ổn tâm lý – và người lớn chạy đi tìm chẩn đoán, trong khi câu trả lời có khi nằm ở điều giản dị: con đã lớn lên trong một thế giới mà điện thoại thay cho cha mẹ.
Mình không viết ra điều này để khiến bạn thấy tội lỗi. Mình viết để bạn tỉnh lại. Bạn không cần phải hoàn hảo. Cũng không cần cấm con hoàn toàn khỏi công nghệ. Nhưng bạn cần tỉnh táo. Bạn cần hiện diện. Bạn cần hiểu rằng, khi con bạn còn nhỏ, mỗi giây tiếp xúc với màn hình không chỉ là “giải trí” – đó là một cú lập trình thẳng vào hệ thần kinh đang hình thành. Và chỉ bạn mới có quyền chọn phần mềm nào con sẽ mang theo suốt đời.
Cho nên là lần tới, khi con bạn khóc, và tay bạn vô thức với lấy điện thoại như một chiếc phao cứu sinh – hãy dừng lại. Không phải vì bạn là người xấu khi làm điều đó. Cũng không phải vì công nghệ là kẻ thù. Mà vì khoảnh khắc đó – chính khoảnh khắc mà bạn tưởng chừng như nhỏ nhặt và vô hại ấy – là một trong những thời điểm quan trọng nhất trong hành trình trưởng thành của một con người. Nó là điểm rẽ, nơi một đứa trẻ có thể học được rằng cảm xúc không đáng sợ, rằng sự khó chịu không cần phải lập tức bị “giải quyết”, và rằng có một người sẵn sàng ngồi lại cùng mình trong những khoảnh khắc ấy, và đi qua cùng mình.
Sự hiện diện của bạn – dù bừa bộn, lộn xộn, hay vụng về – vẫn mang một sức mạnh mà không có thiết bị nào thay thế được. Không một video nào, không một nhân vật hoạt hình nào, không một bản nhạc thiếu nhi nào có thể cho con cảm giác: “À, có người bên mình. Có người chịu đựng cùng mình. Mình không một mình với cảm xúc này.” Đó là bước đầu tiên của trí tuệ cảm xúc. Là gốc rễ của sự kiên cường. Là nền tảng của những mối quan hệ lành mạnh sau này. Và nó chỉ có thể hình thành qua tiếp xúc giữa con người và con người – không thể tải xuống, không thể tua nhanh, không thể outsource.
Chính những lần ở lại đó, theo năm tháng, sẽ làm nên một con người có khả năng yêu thương sâu sắc, đối mặt với cuộc đời bằng sự vững vàng, và thậm chí là có thể take care cho người khác như cha mẹ đã từng làm cho mình.
So. Give them your time. Stay with them. Even when it’s hard. Because their future won’t be built on what you gave them – but what you gave up to be with them. Remember this.
Leave a Reply