UNG THƯ ở các miền QUÊ

 

Nếu đến bệnh viện K thì thấy đa phần bệnh nhân là ở các vùng quê lên.
Mình vẫn nhớ chuyện nhiều người hàng xóm đi phun thuốc trừ sâu về rồi bị ốm luôn mấy ngày. Đi lội nước, cuốc đất về cũng ốm vì ngấm phải hoá chất. Ở quê ai cũng biết nó độc nhưng không biết làm cách gì khác. Chỉ biết hy sinh đời bố củng cố đời con.

Đất trồng lúa gạo thì bón phân phun thuốc đã nhiều chục năm nay, ảnh hưởng đến cả tôm tép cua cá ốc ếch lươn chạch, rau muống rau khoai vì trồng cùng khu vực cùng nguồn nước. Mà hồi bé cào cào châu chấu, tôm cá cua ốc tép nhiều lắm, chuồn chuồn cũng nhiều. Nhiều nhà chỉ nhờ mò cua đơm lươn thôi mà có tiền nuôi con cái ăn học đại học. Giờ thì cạn rồi, cào cào cũng chẳng thấy mấy nữa.

Đồ dùng nhà bếp thì đồ nhựa lên ngôi thay cho đồ mây tre đan, gỗ; nilon thay cho lá chuối. Mà nhựa ở quê cũng nhựa rởm nhiều chứ chẳng phải hàng tốt đẹp gì. Cái đồ nhựa đấy mà tiếp xúc với nhiệt độ cao của đồ ăn nóng, rồi đem đi muối dưa muối cà là rất dễ vi nhựa cùng hoá chất nhiễm vào thực phẩm, rồi đi vào máu.

Ngói đất bị thay thế bởi tấm lợp fibro xi măng (ở quê gọi là phê-rô), chứa nhiều amiang là chất cực độc gây ung thư. Mà ở quê thường hứng nước mưa để ăn, rất nhiều nhà hứng nước từ ngói phê-rô rồi đổ vào thùng ăn dần. Hoặc không thì ăn nước giếng làng, được lọc từ nguồn nước nhiễm thuốc trừ sâu và phân hoá học, cũng là một mối đe doạ.

Ngày xưa ở quê rửa bát bằng tro bếp, nước gạo, chanh tươi. Bây giờ rửa bát bằng sunlight, mỹ hảo, có cả các loại không có tên tuổi được tự pha trộn từ các loại hoá chất độc hại. Rửa bát xong ngửi bát thấy mùi hoá chất sặc sụa, bà con cứ tưởng thơm là thích.

Hàng hoá thực phẩm thì cái gì rẻ nhất, đểu giả nhất đều có ở quê. Trẻ con thì bim bim phô mai bánh kẹo nước ngọt lởm, toàn hàng lậu từ đâu đổ về đủ phẩm màu hoá học xanh đỏ tím vàng, chữ tàu chữ thái. Người lớn thì không còn tự làm tương, làm mắm, pha nước chấm nữa mà ra tạp hoá mua đồ công nghiệp. Dân làng biển cũng ăn Nam Ngư, Chinsu bình thường.

Rồi nhiều vùng có nhà máy công nghiệp, xả thải trực tiếp ra sông ra đất, làm ô nhiễm cả một vùng, Formosa là một điển hình. Mình có anh bạn ở Nam Định, kể rằng có người hàng xóm ở quê đi công nhân nhà máy nhựa của chủ người Trung Quốc, lỡ rơi điện thoại xuống nước hoá chất, nhúng tay xuống nhặt lên mà 1 tháng sau về chết luôn. Còn ở Formosa Hà Tĩnh quê mình thì dân quanh đó bỏ nhà đi cũng nhiều. Thằng bạn mình làm ở đó nó cũng bảo là tao mà làm ở đây lâu chắc cũng vô sinh cmn mất. Nên cách đây 1 năm nó bỏ đi kiếm việc khác rồi.

Một tấn lúa ở quê giờ bán ngay tại ruộng được 5 triệu, số tiền đó lên Hà Nội khám sơ sơ với mua ít thuốc là hết sạch, chứ chữa được cái gì đâu.

Thế đấy, nghĩ cũng buồn!
Mong ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp sạch, làng sinh thái… để cùng giữ lấy những mảnh đất sạch cho thế hệ sau.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *